KINH NGUYỆT THẤT THƯỜNG – DẤU HIỆU HÀNG ĐẦU CỦA HỘI CHỨNG BUỒNG TRỨNG ĐA NANG

Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng phổ biến nhất ở chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, không những ảnh hưởng đến tâm lý, công việc, sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe.

Đây được xem là dấu hiệu hàng đầu nghĩ đến Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) – một rối loạn nội tiết toàn thân, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, không chỉ giảm khả năng sinh sản mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.

 

 

Định nghĩa về kinh nguyệt

  • Là xuất huyết âm đạo có chu kỳ, do lớp màng nội mạc tử cung tróc ra sau khi chịu tác dụng của nội tiết, xảy ra sau rụng trứng, có đặc điểm về thời gian, khoảng cách, lượng máu và triệu chứng đi kèm hầu như cố định với mỗi cá nhân.
  • Chu kỳ kinh nguyệt là thuật ngữ mô tả chuỗi thay đổi hàng tháng mà cơ thể phụ nữ phải trải qua để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Chu kỳ kinh được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt đến ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Chu kỳ ở mỗi người có thể khác nhau, nhưng quá trình là giống nhau.

 

 

Đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt bình thường

 

  • Chu kỳ kinh nguyệt bình thường là tình trạng kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn, khoảng thời gian hành kinh bằng nhau ở mỗi tháng hoặc chênh lệch không quá 8 ngày, lượng máu kinh ít hoặc nhiều, có triệu chứng đau bụng hoặc không đau đều được xem là bình thường.
  • Lần đầu có kinh nguyệt: Thường xảy ra ở độ tuổi 12-13, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc có kinh sớm hơn hoặc trễ hơn là thừa cân béo phì, môi trường, dinh dưỡng, di truyền.
  • Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt: chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài 28 ngày, nhưng có thể lâu hơn hoặc sớm hơn. Phụ nữ có chu kỳ từ 21 đến 35 ngày được xem là bình thường. Trong những năm đầu có kinh và thời kỳ tiền mãn kinh thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ không đều.
  • Thời gian chảy máu kinh nguyệt: Hầu hết phụ nữ sẽ chảy máu kinh nguyệt từ 3-5 ngày, nhưng có thể là 2-7 ngày.

 

 

Rối loạn kinh nguyệt

 

  1. Rối loạn kinh nguyệt là gì?
  • Là những bất thường ở một chu kỳ kinh nguyệt, có thể biểu hiện bằng số ngày hành kinh không ổn định, lượng máu kinh đột nhiên nhiều hơn hoặc ít hơn so với các chu kỳ thông thường.
  • 1 chu kỳ kinh nguyệt vẫn được xem là đều đặn nếu chỉ thay đổi một chút từ chu kỳ này sang chu kỳ khác. Rối loạn kinh nguyệt chỉ những tình huống sau đây: 
  • Khoảng cách giữa các kỳ kinh ít hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày.
  • Mất kinh từ 3 chu kỳ hay mất kinh 3 tháng trở lên.
  • Lượng máu kinh đột nhiên nhiều hơn hoặc ít hơn so với những chu kỳ thông thường.
  • Thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày.
  • Chảy máu bất thường hoặc xuất hiện đốm máu giữa các chu kỳ kinh, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau mãn kinh.
  • Trong kỳ kinh gặp phải các triệu chứng nặng nề như chuột rút, đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn.

  1. Các rối loạn kinh nguyệt phổ biến:
  • Rong kinh là hiện tượng chảy máu kinh nguyệt nếu cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và công việc. Thông thường, lượng máu mất ở mỗi kỳ kinh khoảng 50-150ml. Nếu mất nhiều máu hơn lượng máu thông thường ở mỗi kỳ kinh, hoặc phải thay băng vệ sinh liên tục mỗi giờ thay vì 3-4 lần mỗi ngày, đó là hiện tượng rong kinh.
  • Vô kinh là hoàn toàn không có kinh nguyệt, gọi là vô kinh hoặc mất kinh. Tình trạng vô kinh được xem là bình thường trước tuổi dậy thì, đang mang thai và sau khi mãn kinh.
  • Thống kinh – đau bụng kinh: Hầu hết phụ nữ đều từng bị đau bụng kinh trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, mức độ đau nghiêm trọng và kéo dài (có thể kèm theo triệu chứng buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, …), ảnh hưởng tới sinh hoạt thì cần kiểm tra và điều trị sớm.

 

 

Mối tương quan giữa rối loạn kinh nguyệt và hội chứng buồng trứng đa nang

 

  • PCOS đặc trưng bởi rối loạn phóng noãn, được chẩn đoán trên lâm sàng thông qua các biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt. 
  • Rối loạn kinh nguyệt thường biểu hiện với kinh thưa hoặc vô kinh. Đây là hậu quả của tình trạng bất thường nồng độ các nội tiết tố sinh dục do rối loạn chức năng buồng trứng. 
  • Ở người mắc PCOS quá trình thơm hóa bị ức chế, sự phóng noãn không xảy ra do các nang noãn không phát triển làm cho nồng độ nội tiết tố nữ thấp. Hậu quả là nội mạc tử cung do không có tác dụng của các nội tiết tố nữ trở nên không hoạt động.
  • Kinh nguyệt không đều có thể khởi phát tại thời điểm dậy thì. Một vài người có thể có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn trong một giai đoạn ngắn sau dậy thì, sau đó mới xuất hiện kinh thưa.
  • Tần suất xuất hiện rối loạn kinh nguyệt trong hội chứng buồng trứng đa nang thay đổi theo tuổi, giảm khi gần mãn kinh, tương quan với sự sụt giảm nồng độ nội tiết tố nam cũng xảy ra khi họ lớn tuổi hơn. Sự thay đổi liên quan đến tuổi này có thể làm giảm tần suất kinh thưa trong PCOS nếu không xem xét cẩn thận độ tuổi.
  • Thống kê đã chỉ ra rằng có tới 70 – 80% phụ nữ mắc PCOS có bệnh cảnh rối loạn kinh nguyệt thật sự.

Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc bất thường là dấu hiệu phổ biến nhất gợi ý các bệnh lý sản phụ khoa, đây cũng là triệu chứng đầu tiên của hội chứng buồng trứng đa nang – nguyên nhân chiếm gần 75% trong số các nguyên nhân gây vô sinh do không phóng noãn.

Quản lý chu kỳ kinh nguyệt cũng chính là quản lý sức khỏe sinh sản phụ nữ. Khi nghi ngờ bất thường rối loạn chu kỳ kinh, hãy đến với các bác sĩ để được thăm khám, tư vấn, đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp, phòng ngừa các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra với sức khỏe sinh sản.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.