BUỒNG TRỨNG ĐA NANG – NGUYÊN NHÂN GÂY VÔ SINH THƯỜNG BỊ BỎ QUA Ở NỮ GIỚI

Vô sinh là một vấn đề y tế toàn cầu đáng lo ngại, ảnh hưởng đến hàng triệu cặp vợ chồng hiện nay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi) gặp phải tình trạng này.

Buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ, là nguyên hàng đầu trong những nguyên nhân dẫn tới vô sinh. Tuy nhiên do triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh chuyển hóa khác cùng với chủ quan mà thường bị bỏ qua khi sàng lọc vô sinh.

Vô sinh

 

  • Vô sinh hiếm muộn theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tình trạng một cặp vợ chồng chung sống, có quan hệ tình dục thường xuyên không sử dụng biện pháp tránh thai nào nhưng sau 1 năm (với người vợ dưới 35 tuổi) và sau 6 tháng (với người vợ trên 35 tuổi) mà vẫn chưa có thai một cách tự nhiên.
  • Vô sinh hiếm muộn diễn biến âm thầm, thường được phát hiện khi vợ chồng mong con nhưng sau một thời gian vẫn chưa thể mang thai tự nhiên.
     

 

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

 

  • PCOS là một rối loạn nội tiết và chuyển hóa toàn thân, thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, hậu quả dẫn tới vô sinh chủ yếu do tình trạng rối loạn phóng noãn hay không rụng trứng.
  • Hội chứng này đặc trưng bởi dấu hiệu kinh nguyệt thất thường, thường là thiểu kinh, vô kinh; béo phì; rậm lông vùng mặt, tay chân, ngực, bụng; sạm da; mụn trứng cá và da dầu; …

 

Quan hệ giữa vô sinh và buồng trứng đa nang

 

PCOS là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ. Rối loạn rụng trứng do PCOS làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên đồng thời cũng làm giảm khả năng điều trị IUI hay IVF thành công.

  1. Rối loạn phóng noãn hay không rụng trứng
  • Rối loạn phóng noãn được chẩn đoán trên lâm sàng thông qua các biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt.
  • Ở người mắc PCOS quá trình thơm hóa bị ức chế, sự phóng noãn không xảy ra do các nang noãn không phát triển.
  • Đề kháng insulin cũng là một tác nhân chính gây hiện tượng thoái hóa nang noãn ở buồng trứng đa nang. Sự hư hại quá trình phát triển nang noãn bình thường dẫn đến tình trạng không phóng noãn.

  1. Ảnh hưởng lên sự phát triển noãn
  • Cường androgen – nội tiết tố nam làm thay đổi vi môi trường bên trong các nang noãn dẫn đến hư hại quá trình sinh tổng hợp nang noãn, kết thúc bằng thoái hóa nang noãn. 
  • Sự dư thừa quá mức nội tiết tố nam sẽ kích thích nhiều nang noãn buồng trứng trong cùng một thời gian, do đó ngăn chặn sự phát triển của một nang noãn trội đơn độc dẫn đến thất bại phóng noãn.

 

  1.  Tác động lên chất lượng phôi
  • Chất lượng phôi phụ thuộc nhiều vào chất lượng của tế bào noãn được thụ tinh.
  • Ở người mắc PCOS, sự gia tăng nồng độ nội tiết tố nam dẫn đến giảm tiềm năng tạo ra noãn chất lượng tốt, tăng nguy cơ phôi ngừng phát triển. 

 

  1. Ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi và thất bại làm tổ liên tiếp
  • Sự làm tổ của phôi liên quan đến sự kết dính của phôi vào lớp màng rụng của nội mạc tử cung.
  • Sự suy giảm lưu lượng máu đến nội mạc tử cung, yếu tố tăng trưởng, các phân tử kết dính dẫn tới thai khó làm tổ.
  • Tỷ lệ sẩy thai ở người mắc PCOS là 30 – 40%, cao gấp 3 lần so với các phụ nữ bình thường.

 

Một số biện pháp điều trị vô sinh ở phụ nữ mắc PCOS

 

  1. Các thuốc tăng nhạy cảm insulin
  • Inositol có vai trò quan trọng trong con đường chuyển hóa glucose điều hòa bởi insulin, cải thiện đáng kể các dấu hiệu kháng insulin.
  • Metformin hoạt động bằng cách cải thiện sự nhạy cảm của các mô ngoại vi với insulin, từ đó làm giảm nồng độ insulin tuần hoàn.
  • Chúng có tác dụng điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện sự rụng trứng và gây ra những thay đổi về trao đổi chất trong PCOS.

 

  1. Các liệu pháp kích thích phóng noãn 
  • Aromatase Inhibitors (AI) là phác đồ điều trị đầu tay để gây phóng noãn ở người mắc PCOS vô sinh không phóng noãn và không có các yếu tố vô sinh khác, nhằm cải thiện tỷ lệ phóng noãn, tỷ lệ có thai và tỷ lệ trẻ sinh ra sống.
  • Gonadotropin là điều trị hàng thứ hai ở nhóm PCOS không phóng noãn thất bại điều trị với phác đồ đầu tay và không có các tác nhân vô sinh khác đi kèm.

 

  1. Phẫu thuật trên buồng trứng:
  • Phẫu thuật ngoại khoa bao gồm phương pháp xẻ múi cam, cắt góc buồng trứng và đốt điểm buồng trứng.
  • Tuy nhiên phương pháp này không được chỉ định rộng rãi.

 

  1. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
  • Là chỉ định hàng thứ 3 sau khi điều trị thất bại với các phương pháp khác.
  • Nhờ có phác đồ kích thích buồng trứng và khởi động trưởng thành noãn cùng chiến lược trữ đông phôi toàn bộ, các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm ở phụ nữ mắc PCOS trở nên an toàn hơn, tránh các nguy cơ quá kích buồng trứng và cải thiện tỷ lệ có thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh ra sống.

Vô sinh là một vấn đề y tế nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm và hành động từ cả cộng đồng và hệ thống y tế. PCOS là một thách thức lớn đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ, nhưng với sự nhận thức và can thiệp kịp thời, nhiều phụ nữ có thể vượt qua khó khăn này và có cơ hội mang thai thành công.

Việc chần chừ trong thăm khám kèm theo tự ý điều trị khiến không ít cặp vợ chồng bỏ lỡ thời gian vàng khi trị bệnh, làm cho hành trình tìm con kéo dài, tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí hơn.Vì vậy nếu nghi ngờ sức khỏe sinh sản có vấn đề các cặp đôi nên đi thăm khám sớm để tránh bỏ lỡ thời điểm vàng điều trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.