Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một thể của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), là bệnh rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng, nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đây cũng là yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ do đặc trưng bởi tình trạng kháng insulin và thừa cân, béo phì.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- PCOS là rối loạn nội tiết thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh và có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe về mặt lâu dài khác nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời
- Triệu chứng của PCOS điển hình thường bắt đầu sau giai đoạn dậy thì và trầm trọng hơn cùng với thời gian. Thường gặp nhất là rối loạn kinh nguyệt, rậm lông, rụng tóc, béo phì, sạm da, mụn trứng cá, …
- Hiện nay, chẩn đoán PCOS thường dựa vào tiêu chuẩn đồng thuận Rotterdam. Các triệu chứng PCOS có thể khác nhau tùy chủng tộc và khu vực địa lý. Tiêu chuẩn chẩn đoán PCOS Rotterdam:
- Cường androgen trên lâm sàng/cận lâm sàng (HA).
- Rối loạn phóng noãn (OD).
- Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm (PCOM).
- Chẩn đoán PCOS khi phụ nữ có 2 trong 3 triệu chứng trên, sau khi loại trừ các nguyên nhân gây các triệu chứng tương tự.
- Nghi ngờ PCOS nếu phụ nữ có ít nhất 2 triệu chứng điển hình (ví dụ: kinh nguyệt không đều, rậm lông).
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK)
- Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ – ADA 2019: Đái tháo đường thai kỳ là ĐTĐ được chẩn đoán trong ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, ĐTĐ type 2 trước đó.
- Rất hiếm khi đái tháo đường khi mang thai gây ra triệu chứng rõ rệt. Bệnh chỉ được phát hiện trong những lần thăm khám định kỳ của thai phụ nếu có xuất hiện triệu chứng tiểu đường, bao gồm: tiểu nhiều lần trong ngày, khát nước liên tục, ăn nhiều, mệt mỏi kéo dài, …
- Chẩn đoán ĐTĐTK dựa trên thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g – 2h, chẩn đoán xác định khi có ít nhất 1 trong 3 kết quả bằng hoặc lớn hơn giá trị ngưỡng như sau:
– Đường huyết đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
– Đường huyết sau ăn 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
– Đường huyết sau ăn 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L).
Kháng insulin – điểm chung của PCOS và ĐTĐTK
- Sinh lý bệnh của ĐTĐTK tương tự như sinh lý bệnh của PCOS bao gồm kháng insulin và bất thường về tiết insulin.
- Cơ chế bệnh sinh chính của PCOS là tình trạng cường insulin dẫn đến béo phì vì kháng insulin, từ đó gây nên cường androgen – nội tiết tố nam, kháng insulin, mất cân bằng nội tiết và có thể dẫn đến bất dung nạp glucose.
- Trong thai kỳ bình thường, sự thay đổi chuyển hóa carbohydrate ở thai phụ biểu hiện với 3 đặc điểm lớn là: giảm nhạy cảm với insulin, tăng nồng độ insulin huyết thanh và nồng độ glucose huyết thanh thấp khi đói dễ xảy ra.
- Thai kỳ được xem là một cơ địa đái tháo đường vì có sự giảm nhạy cảm của mô với insulin. Kháng insulin giảm nhẹ ở đầu thai kỳ (thấp nhất vào tuần thứ 8), tăng dần từ nửa sau thai kỳ cho đến trước khi đẻ và giảm nhanh sau đẻ. Ở thai phụ ĐTĐTK có sự kết hợp kháng insulin sinh lý của thai nghén và kháng insulin mạn tính có từ trước khi mang thai.
- Thừa cân, béo phì và mất cân bằng nội tiết là biểu hiện đặc trưng của PCOS, đồng thời là yếu tố nguy cơ cho tình trạng kháng insulin ở phụ nữ mắc ĐTĐTK gia tăng và nặng nề hơn.
Các biện pháp cải thiện và phòng ngừa
- Yếu tố nguy cơ và biểu hiện của ĐTĐTK và PCOS đều có liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì và đề kháng insulin. Giảm cân góp phần quan trọng trong kiểm soát, giảm nhẹ biểu hiện của PCOS và ĐTĐTK.
- Duy trì thói quen và lối sống lành mạnh trước/trong khi mang thai sẽ hạn chế được nguy cơ tiến triển của bệnh. Các biện pháp có thể thực hiện trong thai kỳ đó là:
- Chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe: Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt… là lựa chọn tuyệt vời.
- Vận động thường xuyên: thai phụ nên chọn bài tập với động tác vừa phải, nhẹ nhàng, thời gian tập khoảng 30 phút mỗi ngày, tránh các bài tập nặng, có nguy cơ va chạm và ảnh hưởng đến thai nhi.
- Tránh tăng cân hơn mức khuyến nghị trong thời kỳ mang thai: Việc tăng cân quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐTK, nhất là với những thai phụ thừa cân trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ cho biết mức tăng cân hợp lý đối với thai phụ, tùy thuộc vào cân nặng cũng như thể trạng của thai phụ và thai nhi. Tăng cân trong mức kiểm soát sẽ hạn chế được sự phát triển của PCOS và nguy cơ mắc ĐTĐTK.
Mối quan hệ giữa buồng trứng đa nang và bệnh đái tháo đường thai kỳ có ý nghĩa quan trọng trong quản lý thai kỳ. Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe của phụ nữ mắc PCOS và ngăn ngừa ĐTĐTK. Phụ nữ mang thai nên được quản lý thai bởi bác sĩ và trung tâm y tế để đảm bảo thai kỳ an toàn và tốt nhất cho cả mẹ và bé.