Việc tóc rụng mỗi ngày là 1 phần trong chu kỳ phát triển thông thường của tóc. Tuy nhiên khi tóc rụng bất thường kéo dài có thể biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Chị em phụ nữ thường chủ quan khi tóc rụng, nhưng đây lại là một biểu hiện lâm sàng quan trọng của hội chứng buồng trứng đa nang – một rối loạn nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Rụng tóc
- Rụng tóc là hiện tượng tóc mất đi khỏi da đầu một cách bất thường, dẫn đến việc tóc trở nên thưa thớt hoặc tạo ra các mảng hói trên da đầu. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả nam và nữ, ở mọi độ tuổi, và có nhiều dạng khác nhau như rụng tóc từng mảng, rụng tóc toàn phần hoặc rụng tóc khu vực đỉnh đầu.
- Có 2 kiểu hình của rụng tóc:
- Rụng tóc sinh lý (rụng tóc theo vòng đời) là tình trạng tóc mọc rồi dài ra, theo thời gian sẽ rụng dần. Sau khi tóc rụng, 1 lớp tóc mới sẽ mọc để thay thế tóc cũ. Trung bình mỗi ngày có 30 – 100 sợi rụng và sẽ có 1 lượng tóc mới tương đương mọc ra. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường và không có gì đáng lo ngại.
- Rụng tóc bệnh lý: Khi tóc rụng trên 100 sợi mỗi ngày, không rõ nguyên nhân và rụng liên tục trong thời gian dài. Ở 1 số trường hợp, tóc rụng kèm ngứa, da bong tróc, nổi nhiều nốt đỏ. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh da liễu dẫn đến rụng tóc. Các yếu tố khiến tóc dễ gãy rụng gồm: rối loạn thần kinh nội tiết, di truyền, căng thẳng, mất cân bằng dinh dưỡng, viêm nhiễm.
- Các nguyên nhân gây rụng tóc thường là do sự mất cân bằng yếu tố nội tiết nam hay nữ, căng thẳng, stress, yếu tố di truyền, thiếu dinh dưỡng, lạm dụng các hóa chất làm đẹp…
- Rối loạn nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Là 1 trong những nguyên nhân gây rụng tóc kéo dài thường bị bỏ qua.
Biểu hiện của rụng tóc
- Rụng tóc có thể biểu hiện qua nhiều hình thức, bao gồm:
- Rụng tóc từng mảng: Xuất hiện các mảng hói tròn trên da đầu.
- Rụng tóc toàn phần: Mất toàn bộ tóc trên da đầu.
- Rụng tóc khu vực đỉnh đầu: Tóc thưa dần ở vùng đỉnh đầu, thường thấy ở nam giới.
- Rụng tóc lan tỏa: Tóc mỏng đi toàn bộ trên da đầu, thường thấy ở nữ giới.
Cơ chế và biểu hiện ở người mắc PCOS
- Hội chứng buồng trứng đa nang đặc trưng bởi tình trạng kháng insulin và cường androgen – nội tiết tố nam. Tăng mức insulin và yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1) kích thích sản xuất nội tiết tố nam từ buồng trứng và tuyến thượng thận, làm tăng mức nội tiết tố nam trong máu.
- Khi nội tiết tố nam tăng cao, kéo theo đó Dihydrotestosterone (DHT) – dẫn xuất của nội tiết tố nam tăng mạnh. DHT vốn được xem là thủ phạm chính gây nên rụng tóc, do DHT liên kết với các thụ thể trong nang da đầu, làm thu nhỏ các nang tóc, khiến tóc khỏe mạnh không thể phát triển được, tóc thiếu dinh dưỡng, yếu đi và mỏng dần.
- Cùng với đó sự dư thừa nội tiết tố này cũng làm tăng sản xuất dầu nhờn từ tuyến bã, gây bít tắc nang tóc.
- Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do người mắc PCOS bị rối loạn phóng noãn, không rụng trứng gây ra sự thiếu hụt nội tiết tố nữ, làm cho tình trạng mất cân bằng nội tiết nam nữ càng nghiêm trọng hơn.
- Biểu hiện trên lâm sàng là tình trạng tóc mỏng và rụng bắt đầu từ phần đỉnh đầu và ít khi rụng ở vùng trước trán sau đó lan dần ra. Tóc bị rụng dần và mỏng theo thời gian. Khi tình trạng rụng tóc trở nên nặng nề có thể gây hói đầu. Đối tượng thường gặp là phụ nữ qua thời kỳ mãn kinh.
Phương pháp điều trị đa nang buồng trứng bị rụng tóc
- Nguyên nhân đa nang buồng trứng bị rụng tóc là do sự mất bằng nội tiết tố. Tùy vào từng trường hợp, tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của tình trạng rụng tóc mà có các hướng xử lý cũng như các phương pháp điều trị rụng tóc sẽ khác nhau.
- Các phương pháp điều trị hiệu quả thường được áp dụng đó là:
- Sử dụng thuốc Minoxidil: Đây là một trong những loại thuốc điều trị hiệu quả nhất được cho phép sử dụng để điều trị rụng tóc. Thuốc dùng dưới dạng bôi có tác dụng kích thích sự mọc tóc và có thể làm tóc dày hơn.
- Sử dụng thuốc nội tiết: Đây là cơ sở chính trong việc kiểm soát những tác động của PCOS như rối loạn kinh nguyệt, da nhiều bã nhờn và mụn trứng cá…Thuốc nội tiết có tác dụng làm giảm nồng độ nội tiết tố nam, từ đó giảm tình trạng mọc lông và làm chậm quá trình rụng tóc.
- Giảm cân là một trong các biện pháp giúp làm giảm nồng độ nội tiết tố nam. Đây không chỉ là biện pháp giúp làm giảm rụng tóc ở người mắc PCOS mà còn giảm đáng kể triệu chứng của hội chứng đa nang buồng trứng.
- Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học: Chế độ sinh hoạt thiếu khoa học cũng là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc ở phụ nữ, đặc biệt ở người mắc PCOS.
- Ngoài ra, chị em có thể kích thích mọc tóc bằng một số nguyên liệu tự nhiên như vỏ bưởi, bồ kết, tinh dầu dừa…Các nguyên liệu này có tác dụng làm sạch da đầu, giảm ngứa, giảm nhờn. Thêm vào đó, kết hợp massage tóc và da đầu hàng ngày cũng có hiệu quả kích thích mọc tóc.
Rụng tóc tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần, tạo ra mặc cảm tâm lý nếu tình trạng kéo dài và nặng nề. Đặc biệt ở người mắc hội chứng đa nang không được điều trị kịp thời thì sẽ rất dễ gây hói đầu.
Khi tình trạng rụng tóc kéo dài, mức độ nghiêm trọng, đây có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm. Nếu nghi ngờ rụng tóc có vấn đề sức khỏe, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp.