HỘI CHỨNG BUỒNG TRỨNG ĐA NANG VÀ CHẨN ĐOÁN

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn nội tiết phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh và có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe về mặt lâu dài khác nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là gì?

 

  • PCOS thường được định nghĩa như một hội chứng lâm sàng gồm nhiều dấu hiệu chứ không phải chỉ có sự hiện diện của nhiều nang ở buồng trứng. Nhưng thông thường, PCOS được nghĩ tới khi kết quả siêu âm cho thấy buồng trứng chứa nhiều nang noãn có kích thước từ 2 – 8 mm. 
  • Buồng trứng có thể bị tăng kích thước và có vỏ trơn bóng, dày hoặc có thể vẫn có kích thước bình thường.

 

  • Hội chứng này liên quan đến sự rối loạn chức năng phóng noãn hoặc không phóng noãn và thừa nội tiết tố nam. Hội chứng này có nguyên nhân không rõ ràng, dường như liên quan nhiều đến các yếu tố môi trường và di truyền.
  • Thống kê cho thấy, có khoảng 2,2 – 26,7% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15 – 44 tuổi) mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Và nhiều người trong số họ không biết mình mắc bệnh nên không điều trị sớm dẫn đến nhiều biến chứng.

 

Dấu hiệu nghi ngờ mắc PCOS

 

  • Triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang điển hình thường bắt đầu sau giai đoạn dậy thì và trầm trọng hơn cùng với thời gian. 
  • Các triệu chứng điển hình thường gặp đó là:

 

  1. Kinh nguyệt không đều
  • Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của PCOS là kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh.
  • Điều này là do phụ nữ mắc PCOS thường gặp khó khăn trong việc rụng trứng , dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, kéo dài hoặc thậm chí vô kinh.
  1. Lông, tóc phát triển quá mức (hiện tượng rậm lông)
  • Hơn 70% phụ nữ mắc hội chứng này gặp tình trạng “rậm lông” ở mặt, lưng, bụng, tay chân, và ngực. 
  • Mặt khác, nhiều người còn gặp phải tình trạng hói đầu do nang tóc yếu, tóc rụng nhiều, mỏng và thưa dần.

  •  Cả hai hiện tượng này đều xuất phát từ sự tăng lên các nội tiết tố nam trong cơ thể.
  1. Béo phì
  • Có đến gần 80% phụ nữ bị đa nang buồng trứng gặp phải tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
  • Khó giảm cân cũng là một thách thức lớn do sự đề kháng insulin. Đây cũng là một tình trạng thường đi kèm với PCOS.
  1. Mụn trứng cá và da nhờn
  • Nồng độ nội tiết tố nam hóa cao có thể dẫn đến mụn trứng cá và da nhờn. Mụn trứng cá thường xuất hiện ở mặt, lưng và ngực.
  1. Vô sinh
  • PCOS là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ. Rối loạn rụng trứng do PCOS làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên đồng thời cũng làm giảm khả năng điều trị IUI hay IVF thành công
  1. Tâm trạng thay đổi thất thường
  • Phụ nữ mắc PCOS sẽ thường xuyên thấy căng thẳng, lo âu. Tình trạng này kéo dài có thể gây trầm cảm.
  1. Sạm da
  • Các vùng da dày, sậm màu có thể xuất hiện vùng nách, trên vùng gáy của cổ, trong da, và trên khớp nối hoặc khuỷu tay; nguyên nhân là nồng độ insulin cao trong máu do đề kháng insulin.

 

Làm sao biết mình bị mắc hội chứng buồng trứng đa nang?

 

  • Để chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang, bác sĩ sẽ hỏi các thông tin liên quan đến triệu chứng, tình trạng sức khỏe hiện tại và tiền sử bệnh lý của người bệnh và gia đình.
  • Hiện nay, chẩn đoán PCOS thường dựa vào tiêu chuẩn đồng thuận Rotterdam. Các triệu chứng PCOS có thể khác nhau tùy chủng tộc và khu vực địa lý. Tiêu chuẩn chẩn đoán PCOS Rotterdam: 
  1. Cường androgen trên lâm sàng/cận lâm sàng (HA).
  2. Rối loạn phóng noãn (OD). 
  3. Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm (PCOM). 
  • Chẩn đoán PCOS khi phụ nữ có 2 trong 3 triệu chứng trên, sau khi loại trừ các nguyên nhân gây các triệu chứng tương tự. 
  • Nghi ngờ PCOS nếu phụ nữ có ít nhất 2 triệu chứng điển hình (ví dụ: kinh nguyệt không đều, rậm lông).

 

Điều trị PCOS

 

  • Buồng trứng đa nang có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý và cuộc sống người bệnh. Quá trình điều trị thường bởi các phương pháp dưới đây:
  • Giảm cân: Nghiên cứu cho thấy, việc giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể có thể giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện các triệu chứng PCOS.

 

  • Ăn kiêng: Một chế độ ăn uống ít carbohydrate có hiệu quả cho cả việc giảm cân và giảm mức insulin bên trong cơ thể người bị đa nang buồng trứng. 
  • Tập thể dục: giúp cải thiện quá trình rụng trứng và mức insulin ở phụ nữ, đồng thời hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
  • Sử dụng thuốc: Đa nang buồng trứng có thể được điều trị bằng các loại thuốc như thuốc tránh thai, Metformin (Glucophage, Fortamet), Clomiphene (Clomid), … Tuy vậy, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh các biến chứng nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc.
  • Phẫu thuật nội soi buồng trứng: Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nhằm cải thiện khả năng sinh sản cho người bệnh khi các phương pháp điều trị khác không đạt hiệu quả. Tuy nhiên, ngày nay phương pháp này ít được sử dụng.

 

Cách phòng tránh PCOS:

 

  • Chị em phụ nữ hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh lý cũng như các biến chứng nguy hiểm của bệnh bằng việc xây dựng lối sống, sinh hoạt lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống ngày.
  • Các thói quen tốt đó là:
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Ăn ít béo và ít đường.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Khám phụ khoa định kỳ.

Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết phổ biến và có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiểu rõ các dấu hiệu nghi ngờ và phương pháp chẩn đoán xác định sẽ giúp phụ nữ nhận diện sớm và tìm kiếm sự giúp đỡ y tế cần thiết.

Việc thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc và các phương pháp can thiệp khác có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc PCOS.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.