KINH NGUYỆT THẤT THƯỜNG ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Đối với hầu hết phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt bình thường dao động từ 21 đến 35 ngày. Tuy nhiên, khoảng 14% – 25% phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều, nghĩa là chu kỳ ngắn hơn hoặc dài hơn bình thường.

Kinh nguyệt không đều không chỉ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày, tinh thần mà còn tác động đến sức khỏe sinh sản của chị em. Do đó, việc điều trị kinh nguyệt không đều cần được tiến hành càng sớm càng tốt.

Định nghĩa về kinh nguyệt

 

  • Là xuất huyết âm đạo có chu kỳ, do lớp màng nội mạc tử cung tróc ra sau khi chịu tác dụng của nội tiết, xảy ra sau rụng trứng, có đặc điểm về thời gian, khoảng cách, lượng máu và triệu chứng đi kèm hầu như cố định với mỗi cá nhân.
  • Chu kỳ kinh nguyệt là thuật ngữ mô tả chuỗi thay đổi hàng tháng mà cơ thể phụ nữ phải trải qua để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Chu kỳ kinh được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt đến ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Chu kỳ ở mỗi người có thể khác nhau, nhưng quá trình là giống nhau.

    Nguyên nhân của kinh nguyệt thất thường

 

  • Sự thay đổi nội tiết tố: thường gặp ở tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, cho con bú, tiền mãn kinh và mãn kinh, hội chứng đa nang buồng trứng, …
  • Các nguyên nhân thực thể: gặp ở một số bệnh lý phụ khoa như như polyp tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang…, thai kỳ bất thường như chửa ngoài tử cung, dọa sảy thai, …
  • Ảnh hưởng của thói quen ăn uống và sinh hoạt không điều độ hoặc môi trường sống, thói quen sinh hoạt bị thay đổi đột ngột.

Các hình thức của kinh nguyệt không đều

Rối loạn kinh nguyệt là thuật ngữ dùng để mô tả những chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không bình thường, chẳng hạn như:

  • Khoảng cách giữa các kỳ kinh nguyệt ít hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày.
  • Chu kỳ kinh không đều, thay đổi từ 20 đến 40 ngày cho mỗi chu kỳ kinh.
  • Không có kinh nguyệt trong vòng 3 tháng (hoặc hơn 90 ngày).
  • Máu kinh nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường.
  • Giai đoạn hành kinh kéo dài hơn 7 ngày.
  • Tình trạng chảy máu hoặc có đốm máu xuất hiện giữa các kỳ kinh.
  • Có các triệu chứng nặng nề hơn như đau bụng dưới dữ dội, buồn nôn hoặc nôn, sốt cao trong kỳ kinh, …

Nguy cơ của rối loạn kinh nguyệt kéo dài

 

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt diễn ra thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm khác, trong đó phải kể đến:

 

  • Thiếu máu: tình trạng rong kinh, cường kinh kéo dài gây mất nhiều máu có thể khiến chị em bị thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, thở gấp, loạn nhịp tim… Nguy hiểm hơn, thiếu máu nặng có thể bị đe dọa đến tính mạng.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa: thời gian hành kinh kéo dài không chỉ gây bất tiện trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, mà còn là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng dễ tấn công và gây nên các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm buồng trứng…
  • Tăng nguy cơ khó đậu thai: chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn khiến chị em khó canh thời điểm rụng trứng, dẫn đến khó thụ thai thành công để mang thai.
  • Ảnh hưởng đến đời sống tình dục: chu kỳ kinh kéo dài ảnh hưởng tâm lý người phụ nữ khi quan hệ tình dục hoặc không thể quan hệ tình dục, hoặc nếu quan hệ vào những ngày hành kinh sẽ khiến chị em dễ mắc các bệnh phụ khoa.
  • Ảnh hưởng đến nhan sắc người phụ nữ: nội tiết tố nữ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sắc đẹp nữ giới. Tình trạng rối loạn nội tiết ảnh hưởng trực tiếp đến nhan sắc chị em, khiến làn da kém mịn màng,da dầu, mụn trứng cá, tâm trạng dễ cáu gắt, nóng nảy…
  • Là dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa cần điều trị sớm: một số trường hợp rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng của bệnh lý như u xơ tử cung, u nang buồng trứng… Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể biến chứng, chèn ép các cơ quan lân cận.

    Điều trị kinh nguyệt thất thường

 

Việc điều trị kinh nguyệt thất thường sẽ phụ thuộc vào kết quả thăm khám, xét nghiệm tìm nguyên nhân, nguyện vọng mang thai, sinh nở và các yếu tố khác từ phía chị em phụ nữ. Thông thường, chị em có thể điều chỉnh lại chu kỳ kinh nguyệt bằng cách thay đổi lối sống, sau đó mới áp dụng điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa phù hợp.

 

  • Thay đổi lối sống: xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế tiêu thụ muối, caffeine, đường và không uống rượu bia trước kỳ kinh. 
  • Khám phụ khoa định kỳ: Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện các dấu hiệu của bệnh từ sớm, kể cả khi bệnh chưa có biểu hiện rõ ràng. Không những thế, khám phụ khoa định kỳ còn giúp tầm soát, điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của nhiều bệnh phụ khoa khác. Chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Điều trị nội khoa: một số loại thuốc có tác dụng giảm cơn đau quằn quại khi đến tháng, điều hòa kinh nguyệt và điều trị chứng mất kinh. Tuy vậy, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh các biến chứng nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc.
  • Điều trị ngoại khoa: thường được áp dụng điều trị tùy trường hợp bệnh lý gây ra rối loạn kinh nguyệt cụ thể.

Kinh nguyệt không đều gây nên nhiều phiền toái cho chị em phụ nữ trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và khả năng làm mẹ của chị em.

Việc phát hiện sớm các vấn đề kinh nguyệt rất quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Khi nghi ngờ chu kỳ kinh có biểu hiện bất thường, chị em nên đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để được thăm khám, tư vấn, đưa ra liệu trình điều trị phù hợp, giúp cải thiện sức khỏe sinh sản và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.