Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn nội tiết và chuyển hóa toàn thân, đặc trưng bởi một vài hoặc nhiều triệu chứng như rậm lông, mụn trứng cá, hói đầu ở phụ nữ trưởng thành, rối loạn kinh nguyệt.
PCOS gây nên nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài cho người phụ nữ, đặc biệt là vô sinh và tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- PCOS là 1 rối loạn nội tiết mãn tính, phổ biến nhất ở phụ nữ khi cứ 10 người phụ nữ thì có 1 người mắc hội chứng này.
- Bệnh đặc trưng bởi rối loạn nội tiết tố nam nữ và tình trạng kháng insulin. Cơ chế bệnh sinh chính là tình trạng cường insulin dẫn tới béo phì, từ đó gây nên cường Androgen – nội tiết tố nam, kháng insulin, mất cân bằng nội tiết và những rối loạn thứ phát ở hệ sinh sản và chuyển hóa.
Dấu hiệu đặc trưng của PCOS
- Chu kỳ kinh không đều: các biểu hiện rối loạn kinh nguyệt có thể gặp ở phụ nữ PCOS là kinh không đều, kinh thưa hoặc vô kinh, rong kinh.
- Vô sinh: PCOS là một trong những nguyên nhân hàng đầu ở người phụ nữ bị vô sinh.
- Béo phì: gần 80% phụ nữ PCOS có biểu hiện thừa cân hoặc béo phì.
- Rậm lông: lông phát triển nhiều quá mức ở mặt, ngực, bụng, tay chân. Tình trạng này ảnh hưởng đến gần 70% phụ nữ PCOS.
- Mụn trứng cá: xuất hiện từ sau dậy thì nhưng không đáp ứng với các điều trị thông thường.
- Mảng tăng sắc tố da: Là những mảng da dày hơn bình thường, đen sạm, mịn như nhung. Thường xuất hiện ở những vùng có nếp gấp của cơ thể như nách, bẹn, cổ.
- Theo tiêu chuẩn chẩn đoán PCOS Rotterdam, PCOS được chẩn đoán khi có 2 trong 3 triệu chứng sau:
- Cường nội tiết tố nam trên lâm sàng/cận lâm sàng (HA).
- Rối loạn phóng noãn (OD).
- Có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm (PCOM).
- Chú ý khi chẩn đoán cần loại trừ các nguyên nhân gây nên triệu chứng tương tự. Khi có các triệu chứng điển hình (kinh nguyệt thất thường, rậm lông, …) cần được quản lý và kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần.
Những hệ lụy nguy hiểm của PCOS
- Buồng trứng đa nang gây rối loạn phóng noãn và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trứng, do đó ảnh hưởng đến chất lượng phôi thai tạo thành, là nguyên nhân hàng đầu gây nên vô sinh ở nữ giới.
- Cùng với đó đây là 1 rối loạn nội tiết chuyển hóa toàn thân, hội chứng này làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…
- Vô sinh
- Nguyên nhân vô sinh do đa nang buồng trứng chủ yếu do không rụng trứng hay rối loạn phóng noãn.
- Khi nội tiết tố nữ sinh ra trong buồng trứng quá nhiều, trứng phát dục chậm hoặc dừng phát triển khi ở giai đoạn chưa chín. Người bị mắc PCOS có thể kinh nguyệt thưa, ít dần, không đúng chu kỳ, không thấy hiện tượng trứng rụng hằng tháng.
- Qua siêu âm, trên buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ (trên 12 nang kích thước 2-8 mm, thậm chí trên 20 nang). Do nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng.
- Nồng độ nội tiết tố nam cao cũng ảnh hưởng xấu đến chất lượng trứng, chất lượng phôi tạo thành, sự làm tổ của phôi và thất bại làm tổ liên tiếp.
- Tuy không phải ai mắc PCOS cũng vô sinh nhưng hầu như người mắc PCOS không được quản lý sẽ dễ dẫn tới vô sinh hiếm muộn.
2. Ảnh hưởng chu kỳ kinh nguyệt:
- Những người bị PCOS thường sẽ không có sự rụng trứng đều đặn, vì vậy mà ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt.
- Chu kì kinh nguyệt không đều, rối loạn rụng trứng dẫn đến việc thụ thai gặp cản trở hoặc không thể thụ thai…
- Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hiếm muộn, thậm chí vô sinh ở nhiều cặp vợ chồng.
3. Béo phì:
- Gần 80% phụ nữ da trắng mắc đa nang buồng trứng bị béo phì. Tỉ lệ này thấp hơn ở người châu Á. Để xác định tình trạng béo phì, người ta dựa vào chỉ số BMI (>25) hay tỉ số vòng eo/vòng mông.
- Cân nặng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các triệu chứng đa nang buồng trứng biểu hiện trên lâm sàng. Kiểm soát cân nặng có thể giúp cải thiện tiên lượng của hội chứng này.
4. Ung thư nội mạc tử cung:
- Phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung cao hơn so với những người không mắc bệnh.
- Do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ nên lớp nội mạc tử cung sẽ dày lên để chuẩn bị đón trứng được thụ thai về đó làm tổ. Nếu người phụ nữ không thụ thai, lớp niêm mạc sẽ bong ra tạo nên hiện tượng kinh nguyệt.
- Trong khi đó, nếu chu kì kinh nguyệt bất thường hoặc mất kinh, niêm mạc tử cung cứ dày lên và không chịu bong ra do tác dụng của nội tiết tố nữ, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
5. Bệnh tim mạch:
- PCOS làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ngay cả đối với những phụ nữ có thể trạng gầy gò.
- Nguyên nhân do mức insulin cao dẫn đến tăng cholesterol, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
6. Đái tháo đường type 2:
- Cơ chế bệnh sinh của PCOS liên quan chặt chẽ đến tình trạng kháng insulin.
- Tăng nồng độ insulin trong máu do kháng insulin có thể có mặt và góp phần làm tăng lượng nội tiết tố nam của buồng trứng, gây ra mất cân bằng nội tiết và các rối loạn thứ phát. Do vậy là yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường type 2.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn phức tạp và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, theo dõi sức khỏe định kỳ và sử dụng các phương pháp điều trị thích hợp, phụ nữ mắc PCOS có thể kiểm soát tốt tình trạng của mình và giảm nguy cơ mắc các biến chứng. Việc nâng cao nhận thức về PCOS và các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ.