Nghe qua siêu âm thấy nhiều trứng, nhiều người lầm tưởng rằng đây là dấu hiệu tốt cho khả năng sinh sản. Họ nghĩ rằng nhiều trứng giúp cho khả năng thụ thai cao hơn, thậm chí có thể mang thai đôi, thai ba … Nhưng khi nghe bác sĩ giải thích, mới vỡ lẽ ra rằng không phải cái gì nhiều lúc nào cũng tốt.
Siêu âm thấy nhiều trứng là 1 trong những dấu hiệu nổi bật gợi ý đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ, ảnh hưởng đến 8-13% nữ giới trong độ tuổi sinh sản.
Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?
- Buồng trứng đa nang (tiếng Anh là Polycystic Ovary Syndrome – PCOS) là một dạng rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
- Bệnh gây nhiều tác động lên buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, tăng nồng độ nội tiết tố nam, dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ bên trong buồng trứng.
Siêu âm buồng trứng là gì?
- Siêu âm buồng trứng là một trong những phương pháp sử dụng đầu dò có phát sóng siêu âm để đưa sâu vào âm đạo. Phương pháp này còn được nhiều người gọi với tên khác là siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo, được chỉ định cho những phụ nữ đã có quan hệ tình dục.
- Thông qua kỹ thuật chuyên sâu này, bác sĩ có thể đưa ra đánh giá chính xác về tình trạng của buồng trứng, tử cung và nhiều vùng khác. Bởi phương pháp siêu âm buồng trứng mang đến kết quả chẩn đoán chính xác khá cao.
- Song song với kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm ở đầu dò để khám buồng trứng, tử cung, đó là kỹ thuật siêu âm tử cung buồng trứng qua đường bụng. Thường áp dụng cho phụ nữ chưa có quan hệ tình dục hoặc trong trường hợp cần kết hợp siêu âm đầu dò âm đạo với siêu âm ngã bụng với những ca u buồng trứng to mà siêu âm ngã âm đạo không khảo sát hết. Kết hợp 2 loại siêu âm này sẽ đánh giá chính xác hơn kích thước cũng như tình trạng của tử cung, buồng trứng.
- Kết quả hay hình ảnh siêu âm buồng trứng là 1 trong những bằng chứng cận lâm sàng đưa ra chẩn đoán xác định cũng như kịp thời đánh giá tình trạng của buồng trứng.
- Có bao nhiêu nang noãn là bình thường
- Số lượng nang noãn thường phụ thuộc vào độ tuổi. Càng lớn tuổi sẽ có ít nang hơn so với người trẻ hơn. Trung bình, phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến đầu 30 có khoảng 12 đến 30 nang quan sát được trên siêu âm trong 1 chu kỳ kinh, trong khi phụ nữ từ 35 đến 40 tuổi có thể có từ 8 đến 15 và phụ nữ từ 41 đến 46 tuổi có thể có khoảng từ 4 đến 9.
- Nếu người phụ nữ có ít hơn năm nang trứng ở mỗi bên và đang mong con, bác sĩ có thể sẽ tư vấn các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Siêu âm giúp phát hiện PCOS
- Theo hướng dẫn của Đồng thuận Rotterdam năm 2003: “Khi mỗi bên buồng trứng, thậm chí chỉ 1 bên buồng trứng có ≥ 12 nang noãn kích thước 2 – 9 mm và/hoặc tăng thể tích buồng trứng ≥ 10ml thì có thể chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang.
- Với tiêu chuẩn siêu âm này, tỉ lệ mắc buồng trứng đa nang trong cộng đồng khá cao, khoảng 21 – 23%. Khoảng 25% phụ nữ có buồng trứng đa nang nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào khác của căn bệnh này.
- Năm 2018, Hướng dẫn mới về chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang (Hướng dẫn lâm sàng hội chứng buồng trứng đa nang 2018- Polycystic Ovary Syndrome Guideline 2018, PCSG) đã thay đổi một số lưu ý trên hình ảnh siêu âm. Bác sĩ siêu âm cần sử dụng máy siêu âm đầu dò âm đạo tần số tối thiểu 8MHz, buồng trứng có số lượng nang noãn 2 – 9 mm ≥20 nang ở mỗi bên, và/hoặc thể tích buồng trứng ≥ 10 ml.
- Thời điểm siêu âm:
- Với phụ nữ chu kỳ kinh đều, chỉ định siêu âm vào ngày 3 – 5 của chu kỳ.
- Với phụ nữ bị vô kinh, thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào hoặc ngày 3 – 5 sau khi dùng thuốc để tạo kinh.
- Đối với nhóm thanh thiếu niên (trong 8 năm đầu kể từ khi hành kinh), không nên sử dụng hướng dẫn chẩn đoán nói trên, bởi tỉ lệ buồng trứng đa nang ở nhóm này lên tới gần 70%. Ngoài ra, bệnh nhân có kinh nguyệt không đều và cường nội tiết tố nam không nhất thiết phải sử dụng siêu âm để chẩn đoán PCOS. Lúc này, hình ảnh siêu âm đóng vai trò xác định các kiểu hình cụ thể của PCOS.
Việc nhận biết và điều trị kịp thời PCOS đóng vai trò rất quan trọng để giảm nguy cơ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc PCOS hoặc có các triệu chứng liên quan tới PCOS, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp, sàng lọc kỹ để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.