Tổng quan những điều cần biết về vô sinh nữ

Vô sinh do yếu tố nữ chiếm tới 40% tổng số trường hợp vô sinh nói chung, tình trạng này ảnh hưởng xấu lên đời sống tình cảm, tinh thần và hôn nhân của 2 vợ chồng. So sánh giữa nam và nữ, tỷ lệ vô sinh ở nữ giới có xu hướng cao hơn, khả năng sinh sản của người phụ nữ giảm dần theo thời gian, đặc biệt là sau 35 tuổi.

  1. Khái niệm vô sinh nữ
  • Vô sinh nữ là là tình trạng người phụ nữ không có thai tự nhiên được sau 1 năm quan hệ vợ chồng thường xuyên mà không dùng các biện pháp tránh thai nào. Nguyên nhân do người nữ trong khi chức năng sinh sản của người nam là hoàn toàn bình thường.
  • Nhiều nghiên cứu lớn đã xác nhận rằng khoảng 85% phụ nữ sẽ thụ thai trong vòng 12 tháng. Dựa trên những phát hiện của nghiên cứu này, khả năng sinh sản là 25% trong 3 tháng đầu khi giao hợp không được sử dụng phương pháp an toàn và sau đó tỷ lệ này giảm xuống còn 15% trong 9 tháng còn lại.
  • Tại Việt Nam, tỷ lệ sinh giảm đều đặn trong 2 thập kỷ. Theo một số nghiên cứu ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái của nước ta cho thấy có từ 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng gặp tình trạng vô sinh hiếm muộn.
  1. Phân loại

Bệnh vô sinh nữ có thể được chia làm 2 nhóm, bao gồm vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát, trong đó:

  • Vô sinh nguyên phát là những trường hợp phụ nữ có giao hợp với chồng không sử dụng biện pháp an toàn trong vòng 12 tháng (hoặc trong vòng 6 tháng đối với phụ nữ trên 35 tuổi), nhưng chưa mang thai lần nào.
  • Vô sinh thứ phát là trường hợp phụ nữ đã từng có 1 lần mang thai, tuy nhiên sau đó 2 vợ chồng có giao hợp không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng không thể mang thai trở lại trong thời gian 1 năm.
  1. Nguyên nhân

Vô sinh, hiếm muộn là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ chị em phụ nữ nào, đối tượng thường gặp là những bạn gái có tiền sử rối loạn nội tiết tố, những trường hợp bị viêm nhiễm phụ khoa nhiều lần, trường hợp đã từng nạo phá thai hoặc lạm dụng thuốc tránh thai… Các yếu tố phổ biến nhất dẫn đến tình trạng vô sinh nữ bao gồm:

  • Các bệnh lý ở tử cung như: viêm nội mạc tử cung mãn tính, tử cung có vách ngăn, có lạc nội mạc, u xơ tử cung, polyp tử cung, tử cung dị dạng, niêm mạc tử cung mỏng…
  • Suy buồng trứng sớm;
  • Bất thường ở vòi tử cung như ứ dịch, viêm, chít hẹp, từng làm phẫu thuật cắt 2 vòi tử cung;
  • Viêm vùng chậu, nhiễm nấm chlamydia, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai…
  • Có tình trạng tăng prolactin máu.
  • Sử dụng thuốc tránh thai không đúng cách.

  1. Dấu hiệu nhận biết

Triệu chứng vô sinh ở phụ nữ điển hình là khả năng mang thai kém. Bên cạnh đó, rất nhiều phụ nữ không có dấu hiệu nhưng vẫn không thể thụ thai. Một số dấu hiệu cảnh báo vô sinh chị em nên để ý như:

  • Rối loạn kinh nguyệt: được coi là dấu hiệu điển hình cho tình trạng vô sinh hiếm muộn, đặc biệt với nữ giới từ 18 tuổi trở lên, chưa có kinh nguyệt hoặc đã từng hành kinh nhưng kinh nguyệt biến mất quá 6 tháng liên tục – trường hợp này được coi là vô kinh.
  • Dịch âm đạo bất thường: Khí hư ra nhiều, có màu và mùi bất thường.
  • Thống kinh: đau bụng trong chu kỳ kinh, đau dữ dội vượt mức bình thường, có thể kèm theo nôn mửa, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống.
  • Đau vùng bụng dưới không liên quan chu kỳ kinh, kèm theo ra máu bất thường.
  • Có sự thay đổi về cân nặng như tăng, sụt cân mất kiểm soát.
  • Thay đổi về nội tiết tố, da nổi mụn, rụng tóc, …
  1. Chẩn đoán và điều trị

5.1 Các phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán vô sinh hiếm muộn ở nữ giới,ngoài việc thăm khám trực tiếp, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm, siêu âm và khảo sát như:

  • Xét nghiệm kiểm tra AMH: nhằm kiểm tra dự trữ buồng trứng, dự đoán số lượng trứng còn lại trên buồng trứng.
  • Xét nghiệm miễn dịch: để kiểm tra nhưng bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng mang thai như HIV, lao, viêm gan B…
  • Xét nghiệm Chlamydia: nhiễm Chlamydia có thể dẫn tới nhiễm trùng, gây viêm dính các cơ quan như ống dẫn trứng, viêm dính tiểu khung, phần phụ…
  • Xét nghiệm tuyến giáp: để sàng lọc bệnh lý tuyến giáp, bệnh có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, tăng khả năng sinh non, sinh trẻ nhẹ cân, thai lưu hoặc sảy thai.
  • Xét nghiệm nội tiết FSH, LH, prolactin, P4, E2
  • Xét nghiệm sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
  • Siêu âm phụ khoa để đánh giá về cơ quan sinh sản.
  • Siêu âm đếm nang thứ cấp để đánh giá dự trữ buồng trứng.
  • Siêu âm theo dõi sự phát triển của nang noãn để đánh giá noãn có đáp ứng với phác đồ kích thích buồng trứng đang dùng hay không.
  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung.
  • Chụp x-quang tử cung vòi trứng.
  • Nội soi buồng tử cung chẩn đoán.

5.2 Các phương pháp điều trị

Điều trị vô sinh cần kết hợp nhiều biện pháp và kiên trì. Các phương pháp tiên tiến mới nhất điều trị vô sinh nữ tỷ lệ thành công cao có thể kể đến đó là:

  • Phẫu thuật: trường hợp phụ nữ có bất thường ở tử cung như có polyp, u xơ, u nang, tử cung dính, có vách ngăn hay tắc vòi trứng, ứ dịch, sẽ được chỉ định phẫu thuật.
  • Dùng thuốc: nếu hiếm muộn do rối loạn nội tiết tố khiến quá trình rụng trứng bị ảnh hưởng, bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng một số thuốc kích thích rụng trứng để điều hòa chu kỳ rụng trứng.
  • Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như như thụ tinh nhân tạo IUI, thụ tinh trong ống nghiệm IVF, bơm tinh trùng vào bào tương noãn ICSI, trưởng thành trứng non IVM…
  • Trữ lạnh trứng, sử dụng trứng hiến tặng hoặc mang thai hộ…

Vô sinh nữ đang ngày càng phổ biến ở xã hội hiện đại. Bệnh gây ra nhiều những tổn hại về mặt tâm lý, thể chất cho các cặp đôi. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể được cải thiện và chữa khỏi nếu được chẩn đoán kịp thời các tác nhân gây vô sinh hiếm muộn đồng thời kết hợp với các phương pháp điều trị tiên tiến.

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và thực hiện các phương pháp chẩn đoán chính xác là cơ sở quan trọng để lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả. Các cặp vợ chồng cần tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia y tế để có kế hoạch điều trị phù hợp, nâng cao cơ hội thụ thai và sinh con khỏe mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.